KHẢO-LUẬN

 

 

II.
BINH-KHÍ CỔ-TRUYỀN

 

3 - Binh-Khí Cán Dài

 

 

« CÔN & ROI »

 

 

« Côn-Pháp và Roi-Pháp »

-

 

 

 

 

 

       Bình-Định là miền Đất Võ lừng danh về « Côn-pháp » và « Roi-pháp ».

       A - « Côn-pháp » dạy về ba môn :
                1.- « Đoản-Côn » (loại Côn đo từ đầu ngón tay giữa của bàn tay tới cùi chõ và thường được dùng một cặp gọi là « Song Côn ») ;
                2.- «Tề-Mi Côn» (loại Côn chống lên tới ngang tầm lông mày) ;
                3.- «Trường-Côn» (loại Côn chống lên ngang tầm tay đưa thẳng lên trời).

       B - « Roi-pháp » dạy về hai môn :
                1.- « Roi-Đoản » (Đoản-Tiên) ;
                2.- « Roi-Trường » (Trường-Tiên).
.
              Côn-Pháp và Roi-Pháp được đại-khái chia ra trên nguyên-tắc làm ba loại :
              a. Loại Côn-Roi Đấu : dùng cho Một người đầu với Một người ;
              b. Loại Côn-Roi Chiến : dùng cho Một người đấu với Nhiều người ;
              c. Loại Côn-Roi Trận : dùng cho Một người đấu với nhiều Người ngài trận-mạc.

       Trong « Côn-pháp » và « Roi-pháp », theo Võ-Thuật Cổ-Truyền Bình-Định, thì có 10 cách-thức sử-dụng Côn & Roi, gọi là « Phách », đó là Mười Phách : 1 - Bát ; 2 - Bắt ; 3 - Triệt ; 4 - Chận ; 5 - Hoành ; 6 - Khắc ; 7 - Lắc ; 8 - Tém ; 9 - Đánh ; 10 - Đâm.
       Mười Phách Côn-Roi này được lập thành ba nhóm :
       1. Đâm, Bắt, Lắc, Đánh ;
       2. Bắt, Bát, Triệt, Chận ;
       3. Hoành, Khắc, Lắc, Tém.

       Tuy-nhiên, theo Võ-Trận Cổ-Truyền Đại-Việt trong các Giòng Võ như Khiển-Tường, Khiển-Phạn chẳng hạn, thì sự liệt-kê và định-nghĩa các Phách Roi đó hiển-nhiên khác hẳn vì thuộc về lãnh-vực Côn-Pháp và Roi-Pháp áp-dụng vào sự DànTrận theo Chiến-Thuật Quân-Trường Trung-Cổ. Đó là Côn-Roi Pháp Chiến-Trận.
       Loại Côn-Roi Chiến-Trận này gồm có hai loại :
              1) Loại dùng cho Một người đấu với nhiều Người ngoài trận-mạc ;
              2) Loại dùng cho Nhiều người dàn trận đấu với Nhiều người.


       Ngoài ra, Côn-Pháp và Roi-Pháp còn được chia ra làm Hai Ngành tùy theo cách Nắm Cầm Côn & Roi :

       1 - Ngành Côn-Pháp và Roi-Pháp dạy cách sử-dụng cách Cầm Nắm Côn & Roi theo Âm-Dương, thường được gọi là Ngành « Côn & Roi DƯƠNG »

       2 - Ngành Côn-Pháp và Roi-Pháp dạy cách sử-dụng cách Cầm Nắm Côn & Roi theo Song-Âm, thường được gọi là Ngành « Côn & Roi ÂM »

 

 

Ban Võ-Sư
Võ-Trận Đại-Việt
Bình-Định SA-LONG-CƯƠNG
FRANCE

TRỊNH Quang Thắng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Thảo-pháp Côn-Thuật Cổ-Truyền

« Thái-Sơn Côn »
大 山 棍

 

Sư-Trưởng Trương-Thanh-Đăng
Diễn Thảo-pháp Thái-Sơn-Côn

 

       Bài Thảo Côn-pháp căn-bản trong Hệ-Phái Sa-Long-Cương là bài Thảo « Thái-Sơn-Côn » nổi danh của Võ-Thuật Cổ-Truyền Bình-Định đã được danh-sư Trương-Trạch lưu-truyền cho Sư-Trưởng Trương-Thanh-Đăng.

       Vì đây là một bài Thảo Côn-pháp phối-hợp với Roi-pháp, nên còn được gọi là Thảo « Roi Thái-Sơn ».

       Bài Thảo « Thái-Sơn-Côn » này thuộc về Trường-Côn Thảo-pháp, có 12 câu Thiệu (84 chữ), viết theo thể Thơ Thất-Ngôn, bao gồm đầy-đủ Mười Phách Roi : Bát, Bắt, Triệt, Chận, Hoành, Khắc, Lắc, Tém, Đánh, Đâm ; lại còn được minh-giải thêm qua bài « Trường-Côn Diễn Quốc-Âm Ca » của dòng họ Trương, với 41 câu Thơ, 288 chữ, viết theo thể Thơ Lục-Bát.

 

 

Bài Thảo-pháp Côn-Thuật Cổ-Truyền

« Lạc Côn »
落棍

 

       Bài Thảo Côn-pháp căn-bản nổi tiếng trong các bài Thảo-pháp Côn-Thuật Cổ-Truyền của đất Bình-Định là bài Thảo-pháp «Lạc Côn» đã được danh-sư Sáu HÀ lưu-truyền cho Sư-Trưởng PHẠM-Thi.

       Những chiêu-thức trong bài Thảo-pháp «Lạc Côn» này được định-danh qua 8 câu Thiệu viết theo thể Tứ-Ngôn.

       Ngoài ra, Thảo-pháp «Lạc Côn» này cũng có nhiều phiên-bản của nhiều Dòng Võ, với hiệu-năng sư-phạm rất chênh-lệch nhau.  

 

 

Bài Thảo Roi-Trận

« Thiết Linh Côn »
鐵靈棍

 

       Bài Thảo Côn nổi tiếng đất Bình-Định là bài Thảo « Thiết-Linh Côn - 鐵 靈 棍 », được tương-truyền là của danh-tướng Tây-Sơn « Đặng Xuân Phong ». Bài Thảo Côn-Trận này được mật-mã-hóa bằng 10 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn Trường-Thiên (70 chữ) bao hàm những Chiêu-Thức biến-hòa khôn lường.

       Thảo « Thiết-Linh Côn - 鐵 靈 棍 », là một bài Thảo Côn-Trận hiếm-quí được Hệ-Phái cụ Hương-Kiểm LÀI bảo-tồn và do hậu-duệ là Sư-Trưởng LÂM Ngọc Phú lưu-truyền hậu-lai qua Học-Viện Võ-Trận Đại-Việt.

 

 

Bài Thảo Roi Chiến

« Trung-Bình Tiên »
中坪鞭

 

       Bài Thảo Roi-pháp căn-bản trong Hệ-Phái Sa-Long-Cương là bài Thảo Roi-Chiến «Trung-Bình-Tiên» đã được danh-sư HAI Cụt lưu-truyền cho Sư-Trưởng Trương-Thanh-Đăng.

       Những chiêu-thức trong bài Thảo Roi Chiến «Trung-Bình-Tiên» được định-danh qua 30 câu Thiệu.

       Môn-sinh chưa từng am-tường Thập-Nhị Tứ-Bình Tiên thì học bài Roi Chiến «Trung-Bình-Tiên» này cho biết thôi, chứ khó lòng thi-triển Roi-pháp trong bài.

 

 

Bài Thảo Roi-Chiến

« Tứ-Bình Tiên »
四坪鞭

 

       Bài Thảo Roi-Chiến nổi tiếng đất An-Nhơn - vùng đất Thầy Trương-Văn-Hiến đã từng huấn luyện Tam-Kiệt Nhà Tây-Sơn (Nguyễn-Nhạc, Nguyễn-Huệ và Nguyễn-Lữ) - là bài « Tứ Bình Tiên » ( 四 坪 鞭 ) ghi-nhận bằng 12 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn liên-hoàn.

       Thảo-pháp căn-bản nổi tiếng này do Sư-Trưởng LÂM Ngọc Phú, hậu-duệ của cụ Lâm Đình Thọ (Hương-Kiểm Lài) ở An-Nhơn lưu-truyền hậu-thế.

 

 

Bài Thảo Roi-Trận

« Tấn-Nhất »
迅弌

 

        Bài Thảo Roi-Trận căn-bản trong Võ-Thuật Cổ-Truyền Bình-Định là bài Thảo Roi « Tấn-Nhất ».

       Điều cần-thiết đáng nêu lên ở đây là bài Thảo Roi « Tấn-Nhất » được chia ra làm ba loại Thảo Roi với hiệu-năng sư-phạm rất chênh-lệch nhau :

       1 - Thảo Roi « Tấn-Nhất » được ghi-nhận bằng 7 câu Thiệu viết theo thể Thơ Ngũ-Ngôn liên-hoàn.
       2 - Thảo Roi « Tấn-Nhất » được ghi-nhận bằng 8 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn liên-hoàn.
       3 - Thảo Roi « Tấn-Nhất » được ghi-nhận bằng 18 câu Thiệu viết theo thể Thơ Thất-Ngôn liên-hoàn.

       Tên của bài Thảo Roi-pháp « Tấn-Nhất » được ghi-nhận bằng 18 câu Thiệu này, thì được lấy ra từ hai chữ đầu của câu đầu bài Thiệu ; chứ tên thật của bài Thảo Roi « Tấn-Nhất » (迅 弌) đó là « Ô-Du » (烏 遊), tên con chiến-mã của danh-Tướng Đặng Xuân Phong của Nhà Tây-Sơn chuyên sử-dụng cây Thiết-Côn. Bởi thế cho nên có vài Giòng Võ còn gọi là bài Thảo « Tấn-Nhất Ô-Du » (迅 弌 烏 遊).

       Vì bài Thiệu gốc viết bằng chữ Hán có chen lẫn chữ Nôm không còn nữa, chỉ còn lại bài Thiệu chép lại sau này bằng chữ Quốc-ngữ viết theo mẫu-tự La-Tinh nên có nhiều câu Thiệu đã bị phạm rất nhiều lỗi chánh-tả. Nhất là ngày nay, có người lại đi phiên-dịch bài Thiệu Roi Tấn-Nhất viết theo mẫu-tự La-Tinh đầy lỗi chánh-tả đó ra toàn bằng chữ Hán càng khiến cho nhiều câu Thiệu trở nên vô-nghĩa. Và đấy cũng là tệ-trạng của phân đông các bài Thiệu trong Võ-Học Cổ-Truyền Việt-Nam hiện-tại.

 

 

Bài Thảo Roi-Trận

« Phá Trận Ngũ-Môn »
破陣五門

 

       Bài Thảo Roi-Trận lừng danh của Bình-Định là bài Thảo Roi « Ngũ-Môn - 五 門 », thường khi được gọi là « Ngũ-Môn Phá Trận - 破 陣 五 門 (gọi đúng tên là Phá Trận Ngũ-Môn. Tuy-nhiên, bài Thảo Roi-Trận này gồm có nhiều phiên-bản khác nhau với hiệu-năng chiến-đấu rất chênh-lệch nhau.

       Thảo Roi « Ngũ-Môn - 五 門 » của Hệ-Phái cụ Hành-Khiển PHẠN & Hành-Khiển THI, do hậu-duệ là Sư-Trưởng BA Phong lưu-truyền hậu-thế, được mật-mã-hóa bằng 22 câu Thiệu (157 chữ) bao hàm 52 Chiêu-Thức biến-hóa tung-hoành trận-địa.

 

(Còn Tiếp...)

     

 

Ban Võ-Sư
Võ-Trận Đại-Việt
Bình-Định SA-LONG-CƯƠNG
FRANCE

TRỊNH Quang Thắng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2004 - 2018 by ACFDV - All rights reserved.